Điểm đến khác

Du lịch Đài Loan

Du lịch Đài Loan

Du lịch Đài Loan

 

Đài Loan là tên gọi của một hòn đảo và một quần đảo tại Đông Á, bao gồm đảo Đài Loan và một số đảo nhỏ hơn xung quanh như quần đảo Bành Hồ, Lan tự, Lục đảo, Kim Môn, Mã Tổ (Ngoài khơi Phúc Kiến), đảo Thái Bình và quần đảo Đông Sa (Biển Đông). Tây Bắc giáp Trung Quốc, Đông Bắc giáp Nhật Bản, Đông Nam giáp Philippines.

Đảo chính của Đài Loan từng có tên gọi là Formosa cho đến thập niên 1960 (Nghĩa là "hòn đảo xinh đẹp"), phía đông giáp với Thái Bình Dương, phía nam giáp Biển Đông, phía tây là eo biển Đài Loan và phía bắc là Biển Hoa Đông. Hòn đảo này dài 394 km và rộng 144 km, gồm nhiều dãy núi dốc và được bao phủ bởi hệ thực vật nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Diện tích: 36.000 km2. 
Thủ đô: Đài Bắc

Dân số

Dân số khoảng 25 triệu người (số liệu cuối năm 2000). Khoảng 59% dân số Đài Loan tập trung ở 4 thành phố lớn là Đài Bắc, Cao Hùng, Đài Trung và Đài Nam. Đài Bắc và Cao Hùng là 2 thành phố đông dân nhất. 
86% là người Hán di dân từ Trung Quốc (70% là người Phúc Kiến, 15% là người Quảng Đông). Ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Đài Loan, và tiếng Hẹ.
12% là những người đã di cư từ Trung Quốc sau Nội chiến Trung Quốc cùng với Quốc Dân Đảng và hậu duệ của họ. Ngôn ngữ chủ yếu là tiếng phổ thông.
2% là thổ dân Đài Loan, họ được chia tiếp thành 13 nhóm chính là: Ami, Atayal, Paiwan, Bunun, Rukai, Puyuma, Tsou, Saisiyat, Tao (Yami), Thao, Kavalan, Truku và Sakizaya.

Lịch sử hình thành

Bằng chứng khảo cổ cho thấy con người đã có sự hiện diện của ở Đài Loan từ 30.000 năm trước. Khoảng 4.000 năm trước, tổ tiên của thổ dân Đài Loan ngày nay đã định cư tại đảo. Những người này có đặc tính di truyền gần gũi với các dân tộc Nam Đảo và có họ hàng với người Mã Lai, người Indonesia hay người Philippines và với cả những người Polynesia ở phía đông châu Đại Dương hiện nay, và các nhà ngôn ngữ học phân loại các ngôn ngữ của họ thuộc về Ngữ hệ Nam Đảo.
Đến khoảng năm 1200, người Hán bắt đầu đến định cư tại quần đảo Bành Hổ nhưng gặp phải sự chống đối của các bộ tộc bản địa, sự giao thương buôn bán không nhiều.
Năm 1594, một tàu Bồ Đào Nha đã trông thấy hòn đảo Đài Loan và đặt tên cho nó là Ilha Formosa, có nghĩa là "Hòn đảo xinh đẹp". 
Năm 1624, người Hà Lan thành lập một cơ sở giao thương tại Đài Loan và bắt đầu đưa người Hán từ Phúc Kiến và Bành Hồ đến và nhiều người trong số họ đã định cư tại đảo. Người Hà Lan đã xây dựng Đài Loan thành một thuộc địa với thủ phủ là thành Tayoan (nay là An Bình, Đài Nam). Cả Tayoan và tên đảo Taiwan đều xuất phát từ một từ trong tiếng Siraya, ngôn ngữ của một trong các bộ tộc thổ dân Đài Loan. Quân đội Hà Lan tập trung trong một pháo đài gọi là Pháo đài Zeelandia (Được xây từ thế kỷ 17, từ 1624 - 1634). 
Sau khi nhà Minh sụp đổ, nhà Thanh chiếm đóng Trung Nguyên, một thủ lĩnh quân sự người Hán là Trịnh Thành Công đã tập hợp lực lượng trung thành với nhà Minh ở miền nam Phúc Kiến, đã đánh bại và đuổi người Hà Lan khỏi Đài Loan vào năm 1662. Ông xây dựng nơi đây thành một lãnh địa riêng không chịu quyền kiểm soát của nhà Thanh, thường được biết dưới tên gọi Vương quốc Đông Ninh. Trịnh Thành Công đã lập thủ phủ tại Đài Nam và dùng Đài Loan như một căn cứ. 
Năm 1683, hạm đội quân Thanh dưới sự chỉ huy của đô đốc Thi Lang đã đánh bại quân của họ Trịnh, Đài Loan chính thức sáp nhập vào Đại Thanh.
1894-1895 Nhà Thanh đã thất bại trong Chiến tranh Thanh-Nhật và phải nhượng toàn bộ chủ quyền Đài Loan cùng Bành Hồ cho Đế quốc Nhật Bản. Sau khi chiếm đóng Đài Loan, người Nhật bắt đầu công nghiệp hóa hòn đảo; họ mở rộng đường sắt và các mạng lưới giao thông khác, xây dựng một hệ thống bảo vệ sức khỏe trải rộng và xây dựng hệ thống trường công. Trong thời kỳ này, cả sản lượng lúa gạo và mía đều tăng lên. Thời kì này, Đài Loan từng là nơi sản xuất đường lớn thứ bảy trên thế giới. Tuy nhiên, người Đài Loan và thổ dân chỉ được xếp là công dân hạng hai và hạng ba. Các vụ đấu tranh lớn tiếp tục diễn ra trong thập kỷ đầu, Nhật Bản đã tiến hành trên 160 trận chiến để hủy diệt các bộ tộc thổ dân Đài Loan trong suốt 51 năm cai trị hòn đảo
Khoảng năm 1935, Nhật Bản bắt đầu kế hoạch đồng hóa trên phạm vi toàn đảo để quản lý vững chắc hòn đảo và người dân được dạy là phải tự coi mình là người Nhật. Trong Thế chiến II, hàng chục nghìn người Đài Loan đã phục vụ trong quân dội Nhật Bản. Các căn cứ quân sự và trung tâm công nghiệp quan trọng của Nhật Bản ở khắp nơi tại Đài Loan, như Cao Hùng, đã trở thành mục tiêu của các vụ ném bom ác liệt của Hoa Kỳ.
1945 Nhật Bản thất bại trong Thế Chiến II và mất quyền kiểm soát Đài Loan, nhưng sự kiểm soát của Nhật Bản đã có tác động lâu dài đối với Đài Loan, nhất là văn hóa. Nhiều cơ sở hạ tầng của Đài Loan được bắt đầu xây dựng dưới thời Nhật quản lý. Dinh Tổng thống hiện nay cũng được xây trong thời kỳ này. Năm 1938, có khoảng 309.000 người Nhật định cư tại Đài Loan, hầu hết họ đã hồi hương sau chiến tranh.
25/10/1945 Được sự hậu thuẫn của Mĩ, Đảng Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo đã đến Đài Loan tiếp nhận việc đầu hàng của lực lượng quân sự Nhật Bản tại Đài Bắc. Chính quyền mới của Trung Hoa Dân Quốc được lập nên gặp phải nhiều khó khăn về kinh tế, xung đột văn hóa và ngôn ngữ giữa người Đài Loan và người Đại Lục dẫn đến nhiều cuộc xung đột giữa quân Trung Hoa Dân Quốc và người Đài Loan.
Năm 1949, trong Nội chiến Trung Quốc, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo thất bại đã rời khỏi Nam Kinh để di chuyển đến Đài Bắc. Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên toàn "Trung Quốc". Tại Trung Quốc đại lục, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập và tuyên bố mình là đại diện hợp pháp duy nhất cho cả Trung Quốc (bao gồm cả Đài Loan) và Trung Hoa Dân Quốc không còn tồn tại. Khoảng 2 triệu người, gồm chủ yếu là quân nhân, các thành viên Quốc dân đảng và các thành phần trí  thức và doanh nhân quan trọng, đã di tản từ Trung Quốc đại lục và di chuyển đến Đài Loan trong thời gian đó. Cộng thêm vào đó, chính quyền Quốc dân đảng đã chuyển đến Đài Bắc nhiều tài sản quốc gia như cổ vật, dự trữ vàng và ngoại tệ. Từ thời kỳ này cho đến những năm 1980, Đài Loan được dưới thiết quân luật.
Do Nội chiến Trung Quốc không hề có thỏa thuận ngừng bắn, Trung Hoa Dân Quốc đã củng cố các căn cứ quân sự của mình trên khắp Đài Loan. 
Trong thập kỷ 1960 và 1970, Đài Loan đã phát triển một cách nhanh chóng và công nghiệp hóa mạnh đất nước với một nền kinh tế bền vững và năng động, trở thành một trong bốn con hổ châu Á trong khi vẫn duy trì thiết quân luật và dưới sự cầm quyền độc đảng của Quốc Dân đảng. Vì lợi ích trong Chiến tranh lạnh, hầu hết các quốc gia phương Tây và Liên Hiệp Quốc coi Trung Hoa Dân Quốc là chính quyền hợp pháp duy nhất của Trung Quốc cho đến thập niên 1970, khi hầu hết các nước bắt đầu chuyển sang công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
1972 - 1978 con trai Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc lên thay cha làm Thủ tướng Trung Hoa Dân Quốc , rồi Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc từ năm 1978 tới khi mất năm 1988. Dưới thời của ông, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, dù vẫn độc đảng, bắt đầu cởi mở hơn với các phong trào chính trị đối lập. Về cuối đời, Tưởng giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền với các phương tiện truyền thông, cũng như cho phép người bản địa Đài Loan tham gia nắm quyền, như người kế nhiệm ông là Lý Đăng Huy.
1988 Tưởng Kinh Quốc qua đời, Tổng thống Lý Đăng Huy đã trở thành Tổng thống người Đài Loan đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc. Ông tiếp tục dân chủ hóa chính quyền và giảm sự tập trung của chính phủ vào vấn đề Trung Quốc đại lục. Những cải cách của Lý Đăng Huy bao gồm chuyển việc in giấy bạc từ Ngân hàng tỉnh Đài Loan sang Ngân hàng Trung ương và chuyển hầu hết các công việc của chính quyền tỉnh Đài Loan cho chính quyền Trung ương. Chế độ đại diện cho các tỉnh tại Đại lục trước đây cũng bị bãi bỏ, phản ánh thực tế là Trung Hoa Dân Quốc không quản lý Trung Quốc đại lục. Hạn chế việc sử dụng tiếng Phúc Kiến Đài Loan trong truyền thông đại chúng và trường học cũng đã được nới lỏng.
1990, Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục các cải cách dân chủ, Tổng thống Lý Đăng Huy đã tái cử trong lần bầu cứ phổ thông đầu tiên được tổ chức vào năm 1996. 
2000, Trần Thủy Biển thuộc Đảng Dân Tiến (DPP) đã trở thành tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc không phải là thành viên Quốc Dân đảng, ông đã tái cử trong cuộc bầu cử năm 2004. Tình trạng phân cực chính trị nổi bật tại Đài Loan với sự hình thành các đảng trong Liên Hiệp Lam (Phiếm Lam), dẫn đầu là Quốc Dân đảng, chủ trương thống nhất Trung Quốc và các đảng thuộc Liên Hiệp Lục (Phiếm Lục) do Đảng Dân Tiến lãnh đạo với chủ trương Đài Loan độc lập.
2008 ông Mã Anh Cửu đắc cử tổng thống, chính sách của ông là chấn hưng kinh tế và thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Một phần của chính sách là tận dụng sức mạnh phát triển kinh tế của CHNDTH. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng xung đột quân sự với CHNDTH vẫn sẽ không giảm nhiệt.
16/1/2016 Bà Thái Anh Văn thắng cử, trở thành ứng cử viên thứ 2 của Dân Tiến Đảng sau ông Trần Thủy Biển đắc cử tổng thống và là nữ tổng thống đầu tiên của Đài Loan. Bà là chủ tịch của Dân Tiến Đảng (DPP) vốn chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc. Sau khi nhậm chức, bà Thái Anh Văn đã có những động thái không thừa nhận chính sách Một Trung Quốc và tuyên bố Đài Loan là một quốc gia độc lập. Bên cạnh đó, bà là người ủng hộ tự do hôn nhân đồng tính tại Đài Loan. 

Văn hóa

Văn hóa Đài Loan là một sự pha trộn của nhiều dòng khác nhau, kết hợp chặt chẽ với các yếu tố của văn hóa cổ truyền Trung Hoa (Sau khi Quốc Dân Đảng dời đến Đài Loan), văn hóa Nhật Bản (Sau khi bị Nhật chiếm đóng), tín ngưỡng Khổng Tử và các Văn hóa Phương Tây.

Kinh tế

Giai đoạn 1912–1949
Trong nửa đầu thế kỷ hai mươi kinh tế Trung Hoa Dân Quốc chủ yếu là tư bản, với rất nhiều sự can thiệp. Những nỗ lực cải cách luôn bị ngắt quãng bởi các cuộc chiến tranh liên miên và những tranh giành nội bộ cũng như từ bên ngoài.
Chính phủ quốc gia yếu đuối đã đưa ra một số nỗ lực nhằm khuyến khích các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ ít kiểm soát nền kinh tế, mà chỉ quan tâm tới việc in tiền chi phí cho các cuộc chiến tranh  gây ra tình trạng lạm phát phi mã. Những khoản nợ nước ngoài cũng khiến chính phủ quốc gia phải chịu nhiều sức ép từ bên ngoài. 
Khi ấy Trung Quốc chủ yếu vẫn ở tình trạng nền kinh tế trồng trọt, đa phần ruộng đất thuộc sở hữu của địa chủ giàu có; đại đa số dân chúng là những nông dân làm thuê vì không có ruộng đất. Những người thành lập cả nhà nước Trung Hoa Dân Quốc và Đảng Cộng sản đều có mục tiêu giải quyết sự bất bình đẳng này. Nạn đói Hà Nam (1943–1944) đã làm chính phủ cộng hòa sụp đổ. Các liên minh công nhân từng bị tiêu diệt trong cuộc thanh trừng những người Cộng sản của Quốc Dân Đảng, càng làm sự bất bình đẳng trầm trọng hơn. Nhiều chủ đất và các nhà buôn giàu có cũng là các bộ trưởng và quan chức chính phủ và thường là tham nhũng, khiến các biện pháp có hiệu quả không thể được áp dụng.

Giai đoạn nửa sau thế kỷ 20 - Điều kỳ diệu Đài Loan
Quá trình công nghiệp hóa và phát triển nhanh chóng của Đài Loan để trở thành một nước phát triển công nghệ cao trong nửa sau thế kỷ hai mươi, đã được gọi là “Kỳ tích Đài Loan”. Bởi nước này đã phát triển cùng Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông để trở thành bốn nước công nghiệp hóa phát triển được gọi là “Bốn con hổ châu Á”.
Thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan đã mang lại nhiều thay đổi trong các lĩnh vực công cộng và tư nhân của nền kinh tế; phát triển hạ tầng công cộng, cho phép các hoạt động viễn thông và giao thông vận tải diễn ra dễ dàng trên khắp hòn đảo. Người Nhật cũng đã cải tiến hệ thống giáo dục công và giáo dục đã trở thành bắt buộc đối với mọi công dân Trung Hoa Dân Quốc trong thời gian đó.
Khi chính phủ Quốc Dân Đảng bỏ chạy tới Đài Loan, họ mang theo toàn bộ kho dự trữ vàng và ngoại tệ của Trung Hoa Lục địa tới đây, giúp làm ổn định giá cả và giảm mức siêu lạm phát. Bên cạnh đó, Quốc Dân Đảng đã mang theo cùng họ giới thương nhân và trí thức hàng đầu từ Hoa lục.Dòng tiền tệ và nhân lực bất ngờ này đã trở thành nền tảng cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của Đài Loan sau đó. Chính phủ Quốc Dân Đảng đã đưa ra nhiều bộ luật và cải cách ruộng đất mà họ chưa từng thực thi một cách có hiệu quả tại lục địa. Chính phủ cũng áp dụng chính sách thay thế nhập khẩu, tìm cách chế tạo các hàng hóa phải nhập khẩu ngay trong nước. Đa số các chương trình này đã được thực hiện với sự trợ giúp kinh tế từ Hoa Kỳ, sự bao cấp với những mặt hàng sản xuất trong nước với giá đắt. Những người Đài Loan bản xứ đã bị trục xuất khỏi chính phủ đa số của người lục địa, vì thế nhiều người đã chuyển sang lĩnh vực kinh doanh.
Từ năm 1962 đến 2006, Tổng sản phẩm quốc nội (GNP) trên đầu người của Đài Loan tăng từ 170$ lên tới 29.0000$, tương đương với sự phát triển của các quốc gia Châu Âu lúc bấy giờ.
Theo các nhà nghiên cứu, đa phần tăng trưởng của Đài Loan có thể quy cho sự gia tăng trong khả năng sản xuất. Khả năng sản xuất gia tăng nhờ việc cải cách ruộng đất, thay đổi cơ cấu (đô thị hóa và công nghiệp hóa), cùng một chính sách khuyến khích xuất khẩu chứ không phải việc thay thế nhập khẩu.

Giai đoạn hiện tại
Hiện nay Trung Hoa Dân Quốc có một nền kinh tế tư bản năng động, hướng tới xuất khẩu với sự can thiệp ngày càng ít từ phía chính phủ trong đầu tư và thương mại với nước ngoài. 
Trung Hoa Dân Quốc có đồng tiền tệ quốc gia của riêng mình: đồng Tân Đài tệ.
Nông nghiệp chỉ chiếm 2% GDP, giảm từ mức 35% năm 1952. Các ngành công nghiệp cần nhiều nhân lực truyền thống dần được chuyển ra nước ngoài, thay thế bằng những ngành công nghiệp đòi hỏi nhiều vốn và công nghệ. Trung Hoa Dân Quốc đã trở thành một nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, và Việt Nam. 
Nhờ cách tiếp cận tài chính mang tính bảo thủ và sức mạnh giới doanh nhân của mình, Trung Hoa Dân Quốc đã bị ảnh hưởng ít so với nhiều quốc gia láng giềng khác trong cuộc Khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1998–1999. Không như Hàn Quốc và Nhật Bản, kinh tế Đài Loan chủ yếu gồm các doanh nghiệp nhỏ và trung bình, chứ không phải các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, sự giảm sút kinh tế toàn cầu, cộng với chính sách điều phối kém của chính phủ mới cùng các khoản nợ xấu ngày càng gia tăng trong hệ thống ngân hàng, đã đẩy Đài Loan vào một thời kỳ giảm phát năm 2001, năm tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1947. Vì quá trình di chuyển đặt nhiều ngành sản xuất đòi hòi nhiều nhân công tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tình trạng thất nghiệp cũng đã tăng tới mức kỷ lục từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. 

Tiền tệ

Người Đài Loan sử dụng đồng tiền gọi là Taiwan Dollar (TWD) với các mệnh giá 100, 200, 500, 1000, 2000. Tiền xu cũng được lưu hành với các mệnh giá 1, 2, 5, 10 ,20, 50  thường sử dụng cho các máy tiện lợi.
Tỉ giá: 1 TWD ~ 730 VNĐ; 1 USD ~ 30 TWD
Lưu ý: nên đổi tiền tại Việt Nam vì ở Đài Loan chỉ có thể đổi từ US Dollar sang Taiwan Dollar (Ngay tại sân bay Đào Viên)

Thời tiết 

Thời tiết khí hậu Đài Loan được chia làm bốn mùa khác biệt: mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông. Phía Bắc Đài Loan thường có mưa lớn từ cuối tháng 10 tới tháng 3. Phía Nam khí hậu nóng hơn phía Bắc, mùa hè thường có gió mùa Tây Nam kèm theo mưa. Vào các tháng 7,8 và 9 ở Đài Loan thường có bão. 
Từ tháng 2 - tháng 4: Nhiệt độ khoảng    18 - 24oC
Từ tháng 5 - tháng 7: Nhiệt độ khoảng    24 - 34oC
Từ tháng 8 - tháng 10: Nhiệt độ khoảng  22 - 28oC
Từ tháng 11 - tháng 1: Nhiệt độ khoảng  15 - 19oC

Thời gian

Giờ Đài Loan đi trước giờ Việt Nam 1 tiếng. VD : Đài Loan 15H thì Việt Nam 14H

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ chính của người Đài Loan là tiếng Trung (tiếng phổ thông)
Ngoài ra còn có tiếng Anh, tiếng Mã Lai, tiếng Việt.

Điện

Nguồn điện sinh hoạt ở Đài Loan sử dụng điện áp 110V.
Ổ cắm tại Đài Loan là loại 2 chấu dẹt và điện 110V do vậy quý khách nên chuẩn bị sẵn 1 ổ cắm đa năng (Adaptor) từ Việt Nam hoặc quý khách có thể mượn tại lễ tân khách sạn (Với điều kiện quý khách phải đặt cọc và lấy lại tiền sau khi trả lại cho khách sạn)
   
Điện thoại

Có thể gọi về Việt Nam hoặc gọi đi các nước khác từ khách sạn bằng thẻ điện thoại mua tại quầy tiếp tân của khách sạn hoặc các siêu thị nhỏ. Hoặc gọi tại khách sạn (tuy nhiên trong khách sạn sẽ phải chịu thêm phí phục vụ của khách sạn. Gọi bằng thẻ điện thoại từ các cột điện thoại công cộng.
Khách có thể mua Sim của Đài Loan hoặc dùng sim của mình để liên lạc quốc tế thì phải đăng ký Roaming quốc tế tại Việt Nam. Lưu ý: du khách chỉ có thể mua sim tại sân bay (Chỉ cần scan passport và kí tên vào hợp đồng); Nhân viên tại đây sẽ hỗ trợ gắn sim và kích hoạt.
Một số gói cước: 300 TWD (3 ngày sử dụng wifi không giới hạn + 100 TWD gọi điện)
300 TWD (5 ngày dùng wifi không giới hạn + 50 TWD gọi điện)
450 TWD (5 ngày dùng wifi không giới hạn + 300 TWD gọi điện)
450 TWD (7 ngày dùng wifi không giới hạn + 100 TWD gọi điện)...
Cách gọi điện thọai:  Mã quốc gia Đài Loan là +886
• Từ Việt Nam qua Đài Loan là: 00 + mã quốc gia (886) + mã thành phố bỏ số 0 + số điện thọai.
• Từ  Đài Loan về Việt Nam là: 00 + mã quốc gia (84) + mã thành phố bỏ số 0 + số điện thọai.
 

Cuộc sống là hưởng thụ